Đặc trưng kỹ pháp Thái Lý Phật

Về mặt kỹ pháp thì nó tích hợp kỹ pháp của ba lưu phái Nam Quyền trên, nhưng đấu pháp thì sử dụng cước pháp (đòn chân) hơi nhiều từ Bắc Thiếu Lâm.

Môn quyền này, xét cho cùng, cũng có nguồn gốc từ Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan, có những đặc trưng chung như Ngũ Đại Danh Gia Quyền Thuật (Hồng, Lưu, Lý, Mạc, Thái) là sử dụng Kiều pháp và Ngũ Hình quyền của Nam Thiếu Lâm (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc) nhưng lại thêm các kỹ pháp của Phật Gia Quyền và cước pháp của Bắc Thiếu Lâm pha trộn trong các bài quyền, thậm chí có rất nhiều động tác nhảy nhót và bay lượn (đá cao).

Nét quyền của môn võ này có phong cách đa dạng trông giống như Châu Gia Quyền sau này nhưng bay nhảy và dùng đòn chân nhiều hơn, đá cao hơn trong khi Châu Gia Quyền vẫn còn nét Nam Quyền với các thế tấn thấp.

Các thế tấn trong Thái Lý Phật quyền không đòi hỏi phải đứng thấp như các lưu phái Nam Quyền kể trên. Kỹ thuật chủ về tấn công nhiều hơn và cũng di chuyển nhanh và có lối đánh trường trận như các võ phái Bắc Thiếu Lâm.

Về dùng kình lực trong quyền thuật thì Thái Lý Phật lại theo hẳn đường lối của Nam Quyền: co kình, súc kình, sử dụng tiếng thét lớn khi xuất thủ, khí thế dũng mãnh ào ạt, phong cách dữ dội có cương có nhu, tầm hoạt động của thế quyền rộng rãi, có đánh dài ngắn của các loại Nam Bắc quyền phối hợp.

Hệ thống các bài quyền cũng hoàn chỉnh và có tính hệ thống cao, bao gồm 39 bài chia ra ba cấp sơ, trung, cao. Sơ cấp có các bài: Tiểu Mai Hoa, Tiểu Thập Tự, Tứ Môn Kiều, Triệt Hổ Chưởng... Trung cấp có: Bình Quyền, Thập Tự Khấu Đả, Mai Hoa Bát Quái... Cao cấp có: Ngũ Hình quyền, Hổ Hình, Đạt Đình Bát Quái, Phật Quyền, Bạch Mô Quyền...

Bài binh khí có khoảng 32 bài: Đơn Yêu Đao, Tiểu Mai Hoa Song Đao, Tả Hữu Thập Tam Thương, Song Hiệp Đơn Côn, Trừu Sát Bát Quái Côn, Thanh Long Kiếm, Kim Nhuyễn Tiên.

Đối luyện có 22 bài cả quyền và binh khí.

Trang pháp (luyện bộ mã) có 18 bài: Mã Trang, Xứng Trang, Tam Tinh Trang, Xuyên Long Trang, Luyện Bộ Trang, Đại Mai Hoa Quyền Trang, Bát Quái Côn Trang.